Vua huý Trần Ngỗi, con thứ của thượng hoàng Trần Nghệ Tông, được Trần Triệu Cơ cùng quân tướng phủ Thiên Trường tôn lên làm vua ở Mộ Độ (Yên Mô - Ninh Bình) đặt niên hiệu Hưng Khánh, xưng là Giản Định Đế.
Ngay từ buổi đầu lên ngôi, quân Minh đánh hơi thấy đã tiến quân vây hãm, vua phải chạy vào Nghệ An lánh nạn. Đại tri châu Đặng Tất nghe tin, liền giết chết tướng nhà Minh, đem quân ở Châu Hoá đến giúp vua Trần Giản Định, lại tiến con gái vào hậu cung. Vua Trần Giản Định phong Đặng Tất làm quốc công cùng lo đánh giặc phục hưng đất nước.
Mùa xuân năm Mậu Tý (1408), tướng nhà Minh là Trương Phụ cùng bọn thổ quan đầu hàng giặc đến tiến đánh Diễn Châu, Nghệ An. Vua Trần Giản Định và Đặng Tất vì quân ít phải lui vào Châu Hoá. Quân của Trương Phụ tiến công vào cửa biển và chiếm được vùng Bố Chính, cho bọn quan lại địa phương đầu hàng cai trị, rồi lại kéo quân về Đông Đô.
LỊCH SỬ HỌ TRẦN VIỆT NAM: Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)
Tháng 6, quốc công Đặng Tất đánh phá được bọn quan quân đầu hàng giặc là Phạm Thế Càng giải về hành dinh đem giết chết để răn đe bọn bán nước. Mùa đông, tháng 10 quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Tân Bình, Thuận Hoá, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hoá tiến đánh Đông Đô. Trên đường tiến quân, hào kiệt bốn phương thi nhau hưởng ứng, Đặng Tất phân bổ quân ngũ, chọn người tài làm tướng rồi nhất loạt ra quân.
Ngày 14 tháng 12, quân Trần tiến đến Bô Cô, vừa gặp quân cứu viện nhà Minh với 5 vạn binh do Mộc Thành chỉ huy, hai bên dàn thế trận chiến đấu. Vua Trần Giản Định tay cầm dùi trống thúc liên hồi, quân Trần ào ào khí thế tiến công, suốt từ giờ Tỵ (9 - 11 giờ sáng) đến giờ Thân (3 - 5 giờ chiều) thì quân Minh vỡ trận thua chạy. Các tướng bên quân Minh là Binh bộ thượng thư Lưu Tuy, Đô ty Lữ Nghị bị tử trận, 10 vạn quân cả cũ lẫn mới tan nát, chết trận rất nhiều, riêng Mộc Thạnh là tổng binh thoát chết chạy đến Thánh Cổ Lọng (thuộc xã Thanh Hải tỉnh Hà Nam).
Đáng tiếc là vua quan nhà hậu Trần không cương quyết thắng thừa thế phản công, lại chia quân vây hãm các thành, khiến quân Minh ở Đông Quan đến giải vây cứu Mộc Thạnh...
Đáng tiếc nữa là khi cơ sự chưa thành, thì tháng 2 năm Kỷ Sửu (1409), vua Trần Giản Định nghe bọn gian thần nghi Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân chuyên quyền, nếu không tính sớm e sau khó kiềm chế, rồi cho gọi hai người đến giết chết. Đây là việc làm kém cỏi, tàn nhẫn của Trần Ngỗi, Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “Vua may thoát nguy hiểm, cầu người giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm hướng, cha con Cảnh Chân có mưu lược đủ lập được công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng, trận thắng Bô Cô, thế nước lại dâng, thế mà nghe lời dèm của bọn hoạn quan, một lúc giết hại người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh thì làm sao nên việc được...”.
Con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung bực tức vì cha bị giết oan, liền đem quân từ Thuận Hoá vào Thanh - Nghệ đón Trần Quý Khoáng lập làm vua tại huyện Chi La (nay là huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh).
Ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu, Trần Quý Khoáng lên ngôi, lấy niên hiệu là Trùng Quang, phong Nguyễn Súy làm Thái phó và bọn Nguyễn Súy đề phòng Trần Giản Định chống đối nên đem quân đánh úp, bắt được vua quan Trần Giản Định, chấm dứt thời kỳ I, nhà Hậu Trần - Giản Định Đế.
Bọn tay chân của Trần Giản Định cùng với Hành khiển Lê Triệt, Lê Nguyên Đỉnh ngầm dấy quân đánh lại vua Trần Trùng Quang, nhưng cơ mưu bại lộ, bọn phản trắc đều bị giết.
Ngày 20 tháng 4, bọn Nguyễn Suý dẫn Trần Giản Định vào Nghệ An, Trùng Quang Đế rất khiêm nhường, mặc thường phục xuống thuyền đón rước, lập Trần Giản Định làm thượng hoàng, cùng lòng lo chống ngoại xâm. Nhưng cuối tháng 7 thượng hoàng Trần Giản Định bỏ thuyền lên bờ đến trấn Thiên Quan, vua Trần Trùng Quang ngờ thượng hoàng có bụng khác, sai Nguyễn Suý đuổi theo nhưng không kịp. Thượng hoàng Trần Giản Định lại sa vào tay giặc bị giải về Kim Láng, rồi bị giết chết.
Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018